Ai cũng biết cổ thụ là loài cây to lớn đã sinh trưởng trong rất nhiều năm, với bộ rễ cắm sâu vào lòng đất, thân cây to ôm không xuể và cành lá vươn cao um tùm. Một cây cổ thụ có thể có tuổi thọ hàng chục năm, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm nên gọi chúng là cổ thụ. Nhưng tại sao cổ thụ lại có thể đứng vững như thế trong suốt ngần ấy thời gian và bài học rút ra là gì?
Không phải tự nhiên mà cổ thụ có thể vượt qua được định luật của thời gian. Cổ thụ cũng cần phải được gieo mầm và trồng lên từ một cây con non yếu, cũng cần rất nhiều thời gian để sinh trưởng và phát triển thành một cây trưởng thành. Nhưng trưởng thành thôi chưa đủ nó còn trang bị cho mình những chiếc rễ mạnh khỏe để cắm thật sâu vào lòng đất lấy nguồn dinh dưỡng nuôi cây và giữ cho mình đứng vững trước mọi phong ba gió sương của mẹ thiên nhiên. Dù bão táp có quật mạnh cỡ nào đi nữa cổ thụ vẫn đứng sừng sững không hề lay chuyển. Đó là cổ thụ dạy chúng ta phải biết quý trọng thời gian, dùng thời gian để học hỏi, tích lũy kiến thức nâng cao bản thân mình, chứng tỏ bản lĩnh, mạnh mẽ đứng trước mọi gian nan. Một người thành công không phải tự nhiên mà có được, họ cũng như cây cổ thụ vậy, từng chút từng chút một vươn lên, tích lũy kĩ năng, kinh nghiệm để có thể đứng vững trước mọi khó khăn trong cuộc đời.
Cổ thụ - thụ có nghĩa là bất động. Muốn to lớn, vững vàng thì không thể nay trồng chỗ này, mai nhổ chỗ kia, cổ thụ cần đứng yên một nơi để hấp thụ chất dinh dưỡng và tạo nền móng cho mình. Nếu cứ di chuyển thì làm sao có thể lớn nổi , làm sao có thể được gọi là cổ thụ, việc có sống sót được hay không cũng là cả vấn đề huống chi là trở nên to lớn sừng sững như vậy. Con người cũng như vậy, cần phải kiên trì với ước mơ mà mình đã đặt ra, cứ kiên trì, kiên trì mãi như cây cổ thụ vậy, đừng thoái chí nản lòng mãi mãi sẽ chẳng bao giờ đạt được thứ mình mong muốn.
Như đã nói, cổ thụ về mặt sinh học nó phải cắm hàng ngàn chiếc rễ lớn nhỏ xuống lòng đất sâu thẳm, thứ nó cần có là nền móng để có thể trụ vững được thân hình to lớn của nó trước phong ba bão táp không bị tróc gốc mà chết đi. Nền móng của cổ thụ chính là nguyên tắc cơ bản để nó có thể sống đến hàng ngàn năm. Không riêng gì đại thụ, tấc cả các loài cây trên trái đất này đều cần có rễ mới có thể sinh sôi và đứng vững trên mặt đất này. Vì vậy, chúng ta không thể hấp tấp, lười biếng mà cần phải không ngừng học tập, học và học, sưu tầm thêm nhiều kiến thức khác nhau, làm phong phú thêm cho não và tự tạo nền tảng riêng cho bản thân mình thì mới có thể đứng vững trên con đường đi tới thành công.
Sở dĩ đại thụ cao to không chỉ nhờ chất dinh dưỡng nó hấp thụ được mà còn nhờ nó luôn vươn cao, hướng về phía trên, các cành chồi lá không ngừng phát triển, bứt phá vươn cao hơn các cành còn lại để đón ánh nắng mặt trời và cứ thế cành nào cũng như cành nấy luôn mạnh mẽ vươn cao, vươn về phía ánh nắng hấp thụ những gì tốt nhất. Đến cây cối mà chúng còn không ngừng vươn cao thì chúng ta cũng nên học hỏi từ cổ thụ ưu điểm này. Chúng ta không ngừng vươn về phía trước, không ngừng hướng về phía ánh sáng, không được nản lòng mà buông bỏ tấc cả. Đại thụ dạy ta phải biết định hướng mục tiêu, nỗ lực phấn đấu thì thành công nhất định sẽ tìm tới chúng ta.
Cổ thụ còn dạy ta phải biết hiếu kính với bố mẹ. Chắc hẳn chúng ta đều nghe qua câu chuyện đại thụ và cậu bé. Có một cậu bé và cây cổ thụ đã làm bạn với nhau, hằng ngày cậu bé đều đến chơi với cây cổ thụ và chơi đùa rất vui vẻ. Cổ thụ rất mến cậu bé này nhưng một ngày kia cậu bé đến nhưng không thể chơi đùa cùng cổ thụ nữa vì cậu bé không có tiền. Thế là cổ thụ bảo cậu bé hãy hái hết trái trên cây đem bán. Cậu bé vui vẻ hái hết và rời đi. Nhưng từ đó cậu bé cũng không đến chơi với cổ thụ nữa, cổ thụ rất buồn. Bỗng một hôm cậu bé xuất hiện với nét mặt buồn rầu vì cậu sắp cưới vợ, rất cần một ngôi nhà. Cổ thụ lại bảo cậu bé hãy cắt cành, nhánh của cổ thụ mà xây nhà. Cậu bé lại rời đi và không quay lại chơi với cổ thụ nữa. Ít lâu cậu bé trở lại và than thở với cây rằng cậu muốn có một chiếc thuyền để có vốn đi đánh cá ngoài biển. Cổ thụ bảo rằng cậu bé có thể lấy thân của cổ thụ để làm thuyền. Cậu bé vui vẻ đốn thân cây và làm một chiếc thuyền. Từ đó không thấy cậu bé đến thăm cổ thụ nữa. Mấy mươi năm sau, cậu bé rốt cuộc đã quay trở lại nhưng cổ thụ nói rằng đã không còn gì để cho cậu bé nữa. Cậu bé cũng nói rằng cậu đã quá mệt mỏi và muốn ở lại đây cùng cổ thụ. Thế là cậu bé ngồi xuống bên cạnh cổ thụ. Cổ thụ vui mừng rớt nước mắt vì sau bao nhiêu rốt cuộc cậu bé đã ở cạnh cổ thụ.
Chúng ta cũng như cậu bé ấy vậy, lấy đi tấc cả của bố mẹ và rời đi lập nghiệp. Nhưng sau tấc cả, chúng ta vẫn sẽ trở về bên gốc cổ thụ già cũng là bố mẹ của chúng ta, người đã hy sinh suốt cả cuộc đời vì con cái. Vì thế phải hiếu kính bố mẹ khi còn có thể. Nếu có thời gian nên về thăm bố mẹ nhiều hơn vì đại thụ cũng sẽ có lúc già cỗi mà chết đi. Lúc ấy đến cả gốc cây cũng không còn để ta dựa vào.
No comments:
Post a Comment