Hồi còn đi học, bạn đã bao giờ làm cán bộ lớp chưa? Lớp trưởng, lớp phó, hay tổ trưởng?
Nếu chưa, bạn thấy vị trí cán bộ lớp thế nào, có cực không? Trong lúc chúng ta phè phỡn tám chuyện học bài, “tụi nó” phải lăng xăng đi lấy sổ đầu bài, gặp cô chủ nhiệm, thu quỹ, thông báo, nhắc nhở…
Các hoạt động của trường nếu không có ai trong lớp xung phong thì “tụi nó” cũng phải chia nhau tham gia cho đủ chỉ tiêu của lớp.
Làm cán bộ lớp không có sướng tí nào!
Cực là vậy, nhưng mà đứa nào làm giỏi cũng kỹ năng đầy mình, ra đời xốc vách hẳn lên, dạn dĩ trước đám đông, không rụt rè, ngại ngùng...
[...]
Trở lại với môi trường đi làm, hiện tại có thể bạn đang vẫn là người “sai đâu đánh đó”, sếp giao gì làm nấy. Xong việc, hết giờ đi về.
Tuy nhiên, liệu vài năm nữa, bạn có muốn tiếp tục ở vị trí như vậy không?
Trong khi những đồng nghiệp cùng trang lứa đã bắt đầu rục rịch lên làm Leader, bạn có chấp nhận việc bản thân dậm chân tại chỗ không?
Chắc chắn, bạn sẽ có nhu cầu muốn “nâng cấp” bản thân lên những vị trí cao hơn. Nhưng đặt vấn đề ngược lại, liệu lúc đó bạn có đủ khả năng để đảm nhiệm?
Không phải ai có thâm niên, kỹ thuật chuyên môn cao khi làm quản lý cũng suôn sẻ. Khá nhiều người khi làm một mình thì rất ổn, nhưng khi quản lý một đội nhóm bên dưới thì trầy trật đủ kiểu. Nhân viên không chịu hợp tác, nhân viên trong team mâu thuẫn với nhau…
Để tránh viễn cảnh đó xảy ra, ngay từ bây giờ bạn có thể luyện tập năng lực bằng những cách sau:
# Quản lý và làm chủ công việc hiện tại
Chính bạn phải hiểu rõ và quản lý được công việc hiện tại đang làm, đồng thời tối ưu để đạt hiệu quả cao nhất thì sau này bạn mới có thể quản lý được nhân viên cấp dưới.
Lúc đó bạn mới giảm thiểu được các rủi ro có thể phát sinh, dù bạn không trực tiếp thực hiện công việc.
# Rèn luyện thêm các kỹ năng mềm
Mỗi nhân viên là một tính cách, quan điểm khác nhau. Làm sao để nhân viên đồng lòng và hợp tác là kỹ năng khá khó nhai của quản lý. Tuy nhiên, bạn có thể rèn luyện trong những trường hợp sau:
- Xung phong quản lý huấn luyện cho cộng tác viên, thực tập sinh.
- Hỗ trợ các buổi tổ chức sự kiện, sinh hoạt của công ty.
- Nhận làm thư ký cho các buổi họp của phòng.
- Tích cực giao tiếp với những thành viên khác trong buổi sinh hoạt của công ty.
Thời gian đầu tham gia, có thể bạn sẽ nghĩ: “Thật phiền phức, tự nhiên nhận chi để giờ rước mệt mỏi vào người”.
Nhưng nếu ngẫm lại bạn sẽ thấy những trải nghiệm đó mang lại cho bạn các kinh nghiệm như:
- Lên kế hoạch từng bước.
- Lắng nghe và thu thập ý kiến.
- Lôi kéo và kêu gọi sự hỗ trợ của đồng nghiệp.
Hấp thụ các trải nghiệm để chinh phục bứt phá cho vị trí quản lý sau này.
Quá trình trên vừa được coi là trải nghiệm, vừa là một cơ hội để tự thử thách bản thân. Sẽ có lúc thành công, sẽ có lúc thất bại, hay những khi tiếc nuối “giá như mình làm vậy ngay từ đầu”.
Sau khi đã trải qua những điều này, bạn sẽ tích luỹ được nhiều bí quyết và cách thức xử lý công việc cho tương lai. Bên cạnh đó, cũng là dịp để Sếp quan sát, cân nhắc bạn vào những vị trí quản lý phù hợp sau này.
No comments:
Post a Comment